Phun bột | Phủ silicone | Các kỹ thuật đo lường | Kiểm tra độ khô.

Phun bột

Các tờ in trong bộ phận ra giấy được phun bột để tránh hiện tượng dính mực giữa các tờ in khi mực in còn ướt (hình 1.7-14). Lớp bột mịn được phun bằng khí nén đóng vai trò của một lớp đệm ngăn cách giữa các tờ in tránh cho chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau và tạo một lớp đệm không khí giữa hai tờ in để sự khô bằng oxy hoá diễn ra trong môi trường có không khí. Kích thước các hạt bột làm khô biến đổi từ 15 đến 75 mm. Khi chọn lựa hạt bột làm kho cần lưu ý:
  • Bề mặt giấy càng thô, các hạt bột phải càng thô và to,
  • Lớp mực càng dày, càng phun nhiều bột.

Phun bột không đúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng in, đặc biệt là độ bóng và làm phức tạp cho quá trình gia công tiếp (theo như cán màng).

Các loại bột gốc khoáng hay thực vật được phân loại như sau:
  • Gốc đá vôi (gốc khoáng) có dạng hạt thô, phù hợp với việc in trên các carton.
  • Gốc tinh bột (gốc thực vật) được làm từ ngũ cốc. Chúng chỉ tồn tại dưới dạng hạt mịn và do đó thích hợp cho các loại giấy mỏng.

Khuôn in cũng ít bị mài mòn bởi lớp bột làm khô. Tuy nhiên, khi in màu, bột đá vôi (khoáng chất) bám trên tấm cao su dưới dạng bụi và chúng đóng vai trò như tấm giấy nhám chà lên khuôn in và làm giảm tuổi thọ của tấm cao su lẫn khuôn in.

Phủ silicone

Việc phủ lên cuộn giấy trong máy in offset dạng sấy nóng (heatset) một lớp mỏng nhũ tương silicone dầu trong nước sẽ giúp cho lớp mực không bị nứt ra khi bị sấy nóng đột ngột và giúp hình ảnh không bị lem trong máy gấp. Sau khi in xong, lớp mực bên dưới lớp silicone vẫn chưa khô hoàn toàn ngay cả sau vài ngày và vẫn có thể bị nhoè sau khi lau lớp silicone đi. Lớp silicon cũng làm cho bề mặt của tờ in bóng hơn.

Các kỹ thuật đo lường

Các tờ mới in xong cần phải có đủ độ chịu mài mòn và không bị dính các tờ với nhau khi xếp chồng. Để kiểm tra sự cân bằng giữa mực và vật liệu nền về mức độ hút mực và phương thức khô, người ta dùng các máy in thử trước khi in sản phẩm.

Hệ thống in thử giống trong hình 1.7-16  đặc biệt thích hợp cho việc ấn định phương pháp kết hợp sấy khô mực in/vật liệu nền một cách có hệ thống. Hệ thống in thử được trang bị 2 đơn vị in. Thao tác in thử trên giấy diễn ra ở đơn vị thứ nhất. Đơn vị thứ hai được thiết kế sao cho lớp mực trên tờ giấy mới in được ép lên một tờ giấy trắng chưa in; trong quá trình này, mực in trên tờ giấy mới in chưa khô được phục chế trên tờ giấy chưa in, thao tác này được lặp lại nhiều lần.

Mật độ quang học của mực trên tờ giấy chưa in ở đơn vị 2 được đem ra đo sau khi in. Quá trình sấy khô kể như đã hoàn thành khi mật độ quang học của tờ giấy này bằng 0 (zero), khi đó tờ giấy in ở đơn vị 1 không còn truyền mực lên tờ in thử ở đơn vị thứ hai.

Kiểm tra độ khô

Có nhiều phương pháp để kiểm tra trạng thái khô. Tuy nhiên rất khó đưa ra kết luận về trạng thái khô thực sự bằng công cụ kiểm tra. Do vậy các phương pháp kiểm tra trong phòng thí nghiệm chỉ thích hợp cho việc dự đoán trạng thái khô lâu dài.

Có một phương pháp kiểm tra đã được phát triển để xác định mức độ khô trong một máy in cuộn đang chạy [1.7-5]; tuy nhiên, nó vẫn chưa được công nhận trong thực tế vận hành. Phương pháp thử nghiệm này có chức năng ghi lại trạng thái khô ngắn kỳ. Nguyên tắc của phép đo này được dựa trên một thử nghiệm độ ổn định của mực in chuyển lên vật liệu nền. Thử nghiệm  độ ổn định được thực hiện trên một máy in thử nghiệm dạng offset cuộn (hình 1.7-17). Một khuôn in trong suốt được ép lên cuộn giấy. Cuộn giấy được in lên những mảng tông màu. Nếu như lớp mực không đủ khô, mỗi mảng tông đồng màu sẽ để lộ một đuôi màu bị nhoè. Hiện tượng này có thể được nhận ra bởi các cảm biến quang điện tử.

Kỹ thuật quét quang điện ghi lại độ đục của khuôn in trong suốt tại điểm tiếp xúc giữa khuôn in và cuộn giấy. Nếu như lớp mực chịu được sức căng, mặt giấy sạch với chức năng là khu vực nền màu trắng trở nên thấy được rõ ràng mà không mất đi độ sáng giữa hai dấu kiểm tra nằm kế nhau. Sự phản xạ ánh sáng lúc này là 100% (phản xạ hoàn toàn). Nếu lớp mực không chịu được sức căng, mực được chuyển lên khu vực tiếp xúc của khuôn in trong suốt từ đó giảm bớt độ trong của khuôn in. Có thể điều chỉnh được nhiệt độ của máy sấy tuỳ theo tín hiệu đo được.

Hiện vẫn chưa tìm được giải pháp lý tưởng để đo quá trình sấy khô ngay trên máy in thực tế. Hầu hết kỹ thuật sấy khô được kiểm tra bằng mắt hoặc thủ công, do người vận hành máy thực hiện. Những sự phát triển về mặt kỹ thuật đo lường vẫn còn được mong đợi trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *